Không chỉ hỗ trợ nâng cao chất lượng cá ngừ đại dương, Công ty Kato Hitoshi General (Nhật Bản) còn cam kết giúp ngư dân Bình Định xuất khẩu sang thị trường Châu Âu, Mỹ.
Trao đổi với VnExpress, ông Masakazu Shoga, chuyên gia thủy sản của Công ty Kato Hitoshi General cho biết, trung bình mỗi năm Nhật Bản tiêu thụ khoảng 600.000 tấn cá ngừ đại dương, trong đó 50% nhập khẩu từ Indonesia, Phillippines, Đài Loan... 10.000 tấn trong số này là hàng tươi sống, còn lại hàng đông lạnh.
Hơn một năm qua, tỉnh Bình Định lập nhiều đoàn công tác sang Nhật Bản xúc tiến đầu tư, đặt vấn đề với doanh nghiệp giúp tư vấn kỹ thuật đánh bắt cũng như tiêu thụ cá ngừ đại dương. Các chuyên gia Nhật hỗ trợ tập huấn kỹ thuật, chuyển giao bộ ngư cụ đánh bắt cá ngừ đại dương đảm bảo chất lượng thủy sản tươi sống xuất khẩu sang thị trường Nhật Bản.
"Mô hình thí điểm nơi đây thành công, ngư dân ở các tỉnh miền Trung sẽ áp dụng làm theo, sản lượng cá ngừ đại dương xuất sang Nhật Bản ngày càng nhiều. Chúng tôi cam kết không chỉ giúp ngư dân xây dựng thương hiệu, tiêu thụ cá ngừ đại dương tại thị trường Nhật Bản mà còn chế biến, giới thiệu xuất khẩu sang Châu Âu, Mỹ góp phần mang lại thu nhập cao cho họ", ông Masakazu Shoga nói.
Ông Masakazu Shoga, Chuyên gia thủy sản của Công ty Kato Hitoshi General(Nhật Bản) hướng dẫn kỹ thuật cho ngư dân xã Tam Quan, huyện Hoài Nhơn(Bình Định) đánh bắt cá ngừ đại dương đảm bảo chất lượng tươi sống nhằm nâng cao giá trị kinh tế, cải thiện thu nhập.Ảnh:Trí Tín. |
Vị chuyên gia này cho biết thêm, cá ngừ đại dương của Việt Nam chuyển đến thị trường Nhật Bản bằng đường hàng không sẽ được đưa đến phiên chợ đấu giá, sau đó đưa ra thị trường tiêu thụ ngay trong ngày.
Hiện tại, tỉnh Bình Định yêu cầu các cơ quan chức năng tư vấn giúp ngư dân các mẫu tàu cá vỏ thép; hỗ trợ đào tạo, hướng dẫn ngư dân phương pháp quản lý, sử dụng hiệu quả thiết bị câu cá ngừ đại dương mới do Nhật Bản mới chuyển giao. Trước mắt, Công ty Thủy sản Bình Định cam kết bao tiêu mua sản phẩm với giá cao hơn giá thị trường 20%. Về lâu dài, chất lượng loài thủy sản này đảm bảo, giá tăng công ty này sẽ áp dụng giá mua mới cho ngư dân.
Ông Lê Hữu Lộc, Chủ tịch UBND tỉnh Bình Định cho hay, tỉnh đang phối hợp với ngân hàng hỗ trợ cho ngư dân đóng thí điểm đóng 5 tàu vỏ thép cùng bộ ngư cụ đánh bắt cá ngừ đại dương theo phương pháp mới của Nhật Bản. Năm tàu vỏ thép này hoạt động theo cơ chế luân phiên thu gom sản phẩm cá ngừ đại dương vào bờ trước 10 ngày đảm bảo chất lượng tươi sống. Công ty Thủy sản Bình Định đã làm việc với Hãng hàng không VietNam Airlines về làm thủ tục một lần vận chuyển sản phẩm cá ngừ đại dương xuất khẩu sang tiêu thụ tại thị trường Nhật Bản.
Ngư dân Bình Định đưa cá ngừ đại dương từ bến cảng lên bờ chuẩn bị đưa đi tiêu thụ.Ảnh:Trí Tín. |
"Mô hình thí điểm này thành công chúng tôi sẽ hỗ trợ ngư dân nhân rộng trên địa bàn tỉnh. Tôi tin cá ngừ đạt chất lượng tươi sống tiêu thụ tại thị trường Nhật Bản cao hơn gấp 5 đến 10 lần trong nước thì đời sống của bà con ngư dân hành nghề đánh bắt loài thủy sản này sẽ được cải thiện đáng kể", ông Lộc nói.
Trong khi đó, Tổng cục Thủy sản (Bộ Nông nghiệp & Phát triển nông thôn) đang lấy ý kiến các doanh nghiệp, địa phương để xây dựng dự thảo Đề án thí điểm tổ chức khai thác, thu mua, chế biến và tiêu thụ cá ngừ đại dương theo chuỗi để trình Chính phủ phê duyệt. Đối tượng hưởng lợi trong vùng dự án triển khai là các tổ chức, cá nhân có hoạt động liên quan đến cá ngừ đại dương, thực hiện tại 3 tỉnh: Bình Định, Phú Yên, Khánh Hòa.
Dự thảo đề án đề ra 5 nhiệm vụ chính gồm tổ chức hoạt động khai thác cá ngừ; tổ chức liên kết khai thác, thu mua, chế biến, tiêu thụ cá ngừ đại dương theo chuỗi; phát triển đội tàu khai thác và dịch vụ hậu cần theo hướng hiện đại, đồng bộ; tổ chức hoạt động trung tâm dịch vụ hậu cần cá ngừ; tổ chức hoạt động bán đấu giá cá ngừ. Đề án cũng đưa ra một số giải pháp thực hiện như hỗ trợ tín dụng thương mại, thực hiện cho vay 90% giá trị tàu; hỗ trợ lãi suất tín dụng vay 2% mỗi năm cho nâng cấp hoặc đóng mới hiện đại hóa tàu vỏ thép, thời hạn cho vay là 12 năm…
Trí Tín