Thương mại điện tử châu Á lần đầu vượt châu Âu

Trung Quốc là nước dẫn đầu thị trường thương mại điện tử trị giá hơn 553 tỷ USD của châu Á năm 2013.

Theo báo cáo mới nhất của Hiệp hội Thương mại điện tử châu Âu (EE), lĩnh vực này tại châu Á do Trung Quốc dẫn đầu đã lần đầu tiên vượt qua châu Âu. Năm 2013, thương mại điện tử châu Á đạt gần 553,3 tỷ USD, tăng 16,7%, nhanh hơn châu Âu. Cách đây 2 năm, mua sắm trực tuyến tại Lục địa già đã vượt mặt Bắc Mỹ để xếp số một thế giới.

Wijnand Jongen, Chủ tịch hội đồng lãnh đạo của EE cho rằng sự xuất hiện của những công ty đến từ Trung Quốc, điển hình là Alibaba sẽ đáng quan tâm, nhưng không phủ nhận đây là cơ hội dành cho các doanh nghiệp thương mại điện tử của châu Âu.

Bắc Mỹ (gồm Mỹ và Canada) từng là những thị trường thương mại điện tử lớn nhất toàn cầu. Vì đã phát triển ổn định, các quốc gia này bắt đầu ít cơ hội tăng trưởng hơn so với châu Âu và châu Á Thái Bình Dương. Năm 2013, thương mại điện tử Bắc Mỹ đạt 454,3 tỷ USD, tăng 6% so với năm trước đó.

Trung Đông và Bắc Phi là hai khu vực tăng trưởng nhanh nhất. Doanh thu tăng tới 32,6%, đạt 16,2 tỷ USD. Xếp ngay sau là Mỹ Latin, tăng 24,6%, chạm mức 51,6 tỷ USD.

Thị trường châu Âu tăng trưởng 16%, đạt 494,7 tỷ USD năm 2013 và ước tính thu về 579,4 tỷ USD trong 2014. Số liệu này thống kê cả thị trường Nga và những quốc gia không thuộc Liên minh EU. Theo EE, lĩnh vực này đang là nhân tố chính trong nền kinh tế chung châu Âu. 

EE cho hay, bán lẻ trực tuyến chiếm 87,6% tổng doanh thu, đạt 377,1 tỷ USD. Trong khi đó, theo số liệu của Ủy ban châu Âu, kinh doanh ngoài khu vực EU vẫn còn thấp, chỉ đạt 12% và cơ quan kỳ vọng mảng này sẽ đạt 20% vào năm 2020. Nền kinh tế Internet chiếm 2,2% tổng GDP châu Âu (22.370 tỷ USD). Mục tiêu của châu Âu đưa thương mại điện tử tăng trưởng gấp đôi vào năm 2016 và gấp 3 lần vào năm 2020.

Tính đến cuối năm 2013, châu Âu có 650.000 website mua sắm, tăng từ 15 đến 20% mỗi năm và có khoảng 3,7 tỷ bưu kiện được gửi đến các khách hàng trong khu vực mỗi năm.

Chủ tịch EE Jongen nói: "Chúng tôi tin rằng mô hình thương mại điện tử B2C (doanh nghiệp tới khách hàng) tại châu Âu sẽ đạt khoảng 851 tỷ USD vào năm 2016. Dự đoán tăng trưởng này là hợp lý vì ngày càng có nhiều người ở các nước phát triển chi tiền mua sắm trực tuyến, cũng như lượng khách hàng mới đến từ những nền kinh tế mới nổi".

Anh, Đức và Pháp là 3 quốc gia đóng góp lớn nhất vào doanh thu thương mại điện tử của châu Âu với lần lượt là 145,9 tỷ USD, 86,3 tỷ USD và 69,6 tỷ USD, đồng thời chiếm tới 2 phần 3 thị trường toàn châu lục (61%). Tính riêng trong khối EU, bộ ba này chiếm 69%. Các nước Tây Âu gồm Anh, Pháp, nhóm liên minh Benelux (Bỉ, Hà Lan, Luxembourg) và Ireland chiếm một nửa thị trường thương mại điện tử châu Âu. Trung Âu (gồm Đức, Áo, Thụy Sĩ, Ba Lan) đứng thứ 2 với tổng doanh thu 126,9 tỷ USD.

Những quốc gia mới nổi ở phía Đông, Trung và Nam Âu vẫn cách khá xa nhóm dẫn đầu nhưng đang phát triển rất nhanh. Ông Jongen cho rằng vẫn còn nhiều tiềm năng cho những thị trường tại đây phát triển trong tương lai. Khu vực Đông Âu do Nga dẫn đầu tăng trưởng 47,4%, đạt 26,3 tỷ USD.

Doanh thu thương mại điện tử tại Nam Âu (gồm Tây Ban Nha, Italy, Bồ Đào Nha, Hy Lạp, tính cả Thổ Nhĩ Kỳ) là 55,6 tỷ USD, chiếm 12% thị trường châu lục. Các quốc gia vùng Baltic và Thụy Điển, Đan Mạch, Phần Lan, Na Uy, Iceland đạt 43,6 tỷ USD.

Khánh Linh